Những cách ứng xử cha mẹ nên dạy con từ khi còn nhỏ

Hành vi ứng xử của trẻ chính là thể hiện cách giáo dục con của mỗi gia đình. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy dạy con biết những phép ứng xử cơ bản nhất. Những cách ứng xử dưới đây bạn nên dạy con ngay từ khi còn nhỏ và bạn sẽ giúp con trở thành một con người luôn biến ứng xử đúng mực.

1. Chào tất cả mọi người con gặp

Không có gì khiến bạn hạnh phúc và tự hào hơn khi nhận được những lời khen ngợi cùng ánh mắt ngưỡng mộ từ những người hàng xóm hoặc những người mới quen biết vì bạn đã là một bà mẹ nuôi dạy con tốt, biết lễ phép, ngoan ngoãn chào hỏi mọi người… Do đó để con mãi là niềm tự hào của các bậc cha mẹ, ngay từ khi con còn thơ ấu, cha mẹ hãy làm thế nào để con luôn mạnh dạn chào đón tất cả mọi người không chỉ là khi khách đến nhà mà thậm chí là ngay cả khi con gặp một ai đó ở cửa hàng tạp hóa. Hãy dạy con mỉm cười thân thiện với tất cả những người con gặp. Chắc chắn điều đó sẽ không chỉ khiến bạn hạnh phúc mà còn làm cho những người xung quanh cũng cảm thấy thật dễ chịu khi gặp một đứa bé ngoan.

Những cách ứng xử cha mẹ nên dạy con từ khi còn nhỏ
Chào tất cả mọi người con gặp
2. Trả lời điện thoại một cách lịch sự

Để dạy con làm được điều này, có thể các bậc cha mẹ sẽ phải mất một khoảng thời gian dài tùy thuộc vào khả năng, sở thích cũng như phương pháp mà bố mẹ áp dụng dạy dỗ đối với con. Hãy dạy cho con kỹ năng và thành lập thói quen khi con trả lời điện thoại. Tuyệt đối đừng để trẻ nói trống không và lối hỏi đáp “nhát gừng”. Bố mẹ có thể dạy con một vài câu nói cơ bản như: “Xin lỗi! Cháu có thể biết ai ở đầu dây bên kia không ạ?” hoặc: “Cháu rất tiếc! Hiện tại mẹ cháu không có ở nhà. Cô có muốn để lại lời nhắn nào đó cho mẹ cháu không ạ?”…

3. Không chơi trò đánh trống trên bát đĩa

Đây không chỉ là thói quen xấu mà đó còn là một trong những hành vi khiếm nhã bên bàn ăn, nhất là khi gia đình bạn có khách. Do đó thay vì để con tự tiện cầm đũa, thìa gõ vào bát đĩa, cha mẹ hãy tạo cho con tư thế ngồi ăn nghiêm chỉnh, lịch sự, không gào thét khi chưa có món ăn… Những điều cơ bản đó sẽ giúp con hình thành thói quen và phong thái định đạc, ứng xử điềm tĩnh trong suốt cuộc sống của trẻ về sau này.

4. Dạy con biết nói “Cám ơn” và “Xin lỗi”

Những cách ứng xử cha mẹ nên dạy con từ khi còn nhỏ -1
Dạy con biết nói “Cám ơn” và “Xin lỗi”
Có rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng, khi con còn quá nhỏ thì việc dạy con quá nghiêm khắc là điều không cần thiết, và đó là quan niệm sai lầm. Bạn nên nhớ, việc nuôi dạy con hãy bắt đầu từ khi con còn nhỏ sẽ dễ dàng và hữu ích vô cùng, bởi khi đó trẻ như một tờ giấy trắng, cha mẹ dạy bảo, uốn nắn sẽ tạo thành thói quen, thành nếp trong suy nghĩ của trẻ, và như thế bạn sẽ thành công hơn rất nhiều.

Hãy dạy cho trẻ biết “Xin lỗi” khi gây phiền toái hoặc có lỗi với ai đó, và biết nói lời “Cám ơn” khi nhận được sự giúp đỡ hay khi được nhận quà.

5. Dạy con biết nhường nhịn và không đánh nhau với những bạn khác

Nói cách khác, đây là cách để bạn giúp con kiểm soát cơn giận dữ. Hãy nói với con việc đánh bạn sẽ biến con thành người thua cuộc, là hành vi xấu. Điều này có thể mất thời gian khá dài mới có thể để trẻ nhận ra nhưng vẫn vô cùng cần thiết, bởi nó sẽ giúp con định hình tính cách và biết cách kìm chế bản thân trong tương lai.

6. Hãy luôn có thái độ đúng mực với con

Những cách ứng xử cha mẹ nên dạy con từ khi còn nhỏ -2
Hãy luôn có thái độ đúng mực với con

Hãy luôn chào hỏi con khi đi làm hoặc đi làm về và nếu con không chào lại cha mẹ có thể nhắc nhở con một cách khéo léo “mẹ đã chào hỏi con rồi, con đã chào mẹ chưa?”. Trẻ con rất nhanh nhớ và dễ bảo ban vì thế cha mẹ hãy luôn bảo ban, nhắc nhở con mọi lúc mọi nơi để con dần có ý thức trong cuộc sống.

Luôn nói chuyện hoặc tỏ thái độ nghiêm khắc hoặc yêu quý một cách dứt khoát để con nhận biết được những việc gì nên và không nên. Bé sẽ hiểu cha mẹ không vui sẽ có thái độ cáu giận một cách nghiêm khắc. Hoặc con ngoan cha mẹ sẽ yêu quý con và nựng nịu con.

7. Dạy con không chen ngang cuộc nói chuyện

Phép lịch sự khi nói chuyện là điều tối thiểu nên cho trẻ biết. Khi người lớn đang nói chuyện thì con không được chen ngang vì như thế là bất lịch sự, nếu con có ý kiến gì thì phải xin phép trước khi nói.

Thậm chí khi con nói chuyện với bạn, hãy để bạn của con nói hết ý kiến của mình trước rồi con đưa ra ý kiến bởi vì nếu không lắng nghe khi người khác nói chuyện với mình là sự thiếu tôn trọng và là cách ứng xử không hay, tạo cho người khác ấn tượng xấu về mình.

Trẻ có thể sẽ không để ý những điều này nên bạn cần nhắc nhở con ngay khi con có biểu hiện đó và phân tích cho con hiểu. Đơn giản có thể hỏi con: “Nếu con nói chuyện mà người đối diện không lắng nghe thì con cảm thấy như thế nào?” 

Nguồn Tổng hợp Maternity Spa